Tỉ lệ nội địa hóa của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là khoảng 45 %. Năm 2020, trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt 35,2 tỉ USD thì chúng ta phải nhập khẩu 25,4 tỉ USD nguyên phụ liệu. Dường như các doanh nghiệp tận dụng được rất ít cơ hội từ các hiệp định thương mại mà chúng ta tham gia, nơi quy định rất chặt chẽ về quy trình sản xuất. Vì vậy chủ động về nguyên phụ liệu trong nước là một nhu cầu rất cấp thiết không chỉ đối với ngành dệt may mà với cả các ngành công nghiệp xuất khẩu khác.
-
Những vấn đề đặt ra từ các hiệp định thương mại tự do và xu thế phát triển của dệt may thế giới
Việc tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó có 2 FTA thế hệ mới làm gia tăng sự hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu, mở ra cơ hội to lớn cho việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Mức thuế quan được cắt giảm góp phần làm tăng năng lực cạnh tranh về giá nhưng để được hưởng ưu đãi, sản phẩm dệt may phải đáp ứng các nguyên tắc xuất xứ rất khắt khe.
Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và liên minh châu Âu yêu cầu để được miễn giảm thuế, hàng dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ 2 công đoạn từ vải trở đi, tức là vải nguyên liệu được dùng để may quần áo xuất sang EU phải được dệt tại Việt Nam, các nước thành viên EU, hoặc các nước đã có FTA với EU như Hàn Quốc. Với hiệp định CPTPP, hàng dệt may phải đáp ứng nguyên tắc nguồn gốc xuất xứ “từ sợi trở đi”, nghĩa là 3 công đoạn từ sợi, vải, cắt may đều phải thực hiện tại nước thành viên. Đây là quy tắc xuất xứ chặt chẽ nhất về dệt may mà Việt Nam từng cam kết trong một FTA.
Còn với hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), việc hài hòa hóa quy tắc sẽ góp phần tạo thuận lợi thương mại nhưng việc giảm thuế khi thực thi hiệp định sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh. Nguy cơ đến từ các sản phẩm dệt may của các nước như Malaysia với chất lượng cao và giao hàng nhanh, Indonesia với các chuỗi cung ứng trong nước ít bị ảnh hưởng bởi tình hình thế giới và Campuchia với chi phí sản xuất thấp. Nhập khẩu nguyên liệu từ các đối tác trong RCEP có thể gia tăng, kể cả từ Trung Quốc, Hàn Quốc gây khó cho việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa.
Hơn nữa các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều có yêu cầu rất cao về môi trường, lao động và trách nhiệm cộng đồng. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2019, dưới sự đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, 150 thương hiệu thời trang lớn nhất thế giới như Chanel, Calvin Klein, Adidas, Nike, H&M… đã ký bản cam kết phát triển dệt may bền vững mang tên “The Fashion Pact”, hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động của thời trang đối với môi trường, và nắm bắt xu thế “kinh tế tuần hoàn” gồm tái chế và tái sử dụng sáng tạo.
-
Khả năng tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do của ngành dệt may Việt Nam
Trong tổng số hơn 7,000 doanh nghiệp dệt may cả nước, số lượng doanh nghiệp gia công hàng may mặc chiếm 85%; còn lại là các doanh nghiệp chế biến xơ, sợi, nhuộm, dệt vải. Ngành sản xuất hàng may mặc của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với 65% đơn hàng ở phương thức gia công. Chúng ta chủ yếu làm công đoạn cắt may vì có chi phí ban đầu và rủi ro kinh doanh thấp, trong khi những công đoạn đem lại lợi nhuận cao nhất là cung cấp nguyên phụ liệu, thiết kế thời trang, thương mại. Hàm lượng giá trị gia tăng trong nước của sản phẩm chưa đến 50% do nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu.
Hiện nay ngành vải may của Việt Nam đạt sản lượng khoảng hơn 2 tỉ m2/năm, đáp ứng được khoảng 25-30% nhu cầu. Giai đoạn từ 2017-2020, mỗi năm chúng ta phải nhập từ hơn 11 tỉ đến 13 tỉ m2 vải, chiếm tỷ trọng cao nhất trong các nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu. Vải nhập khẩu vào Việt Nam 85% đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Trong khi ngành sợi với 2/3 sản lượng dùng để xuất khẩu, thì nguồn cung vải lại đến phần lớn từ nhập khẩu.
Bảng 1: Nhập khẩu vải dệt may từ các thị trường
Thị trường | Trung Quốc | Hàn Quốc | Đài loan | USA | Các thị trường khác |
Tỷ lệ % | 51% | 10,70% | 9,30% | 7,90% | 21,10% |
( Nguồn: Tổng cục thống kê, Bộ công thương)
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, ngành dệt may chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu (90% bông nguyên liệu, 100% xơ sợi tổng hợp, 50% sợi bông và 80% vải khổ rộng) từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc, những nước này không có mặt trong CPTPP. Chỉ một số rất ít tập đoàn lớn có thể đủ năng lực để xây dựng 1 chuỗi cung ứng khép kín như dệt may Phong Phú tự cung cấp được 40% nguồn vải sử dụng; dệt may Thành Công với doanh thu từ vải tăng trưởng 25% trong năm 2020; hoặc sợi Thế Kỷ với sản phẩm tái chế, sợi có tính năng đặc biệt được đánh giá cao, có mức tăng trưởng doanh thu 132%, giúp công ty lội ngược dòng khủng hoảng.
Bảng 2: Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may qua các năm
Năm | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 |
Vải các loại | 11366 | 12774 | 13277 | 11876 |
Nguyên phụ liệu dệt may | 5420 | 5473 | 3523 | 5382 |
Bông các loại | 2356 | 3011 | 2570 | 2283 |
Xơ, sợi dệt các loại | 1814 | 2420 | 2410 | 1999 |
( Nguồn: Tổng cục thống kê, Bộ công thương)
Như vậy để đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ từ vải trở đi với EVFTA, và từ sợi trở đi với CCTPP là một thách thức không nhỏ cho ngành dệt may Việt Nam, trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa thể tự chủ được hoàn toàn đầu vào nguyên vật liệu của mình. Do đó không thể hưởng mức ưu đãi thuế quan lớn nhất từ các hiệp định tự do thương mại mang lại. Nhưng có thể thấy ngành dệt may của nước ta có triển vọng rất sáng sủa trong tương lai, là động lực để tăng cường đầu tư vào công nghiệp phụ trợ. Đó cũng là yêu cầu cấp bách cho các DN dệt may trong nước phát triển và hoàn thiện chuỗi cung ứng từ sợi, đến dệt vải và cắt may để có thể hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mà nước ta tham gia.
-
Một số nguyên nhân
Do chi phí đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn dài cùng những khó khăn về tiêu thụ khi phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu từ các thị trường có ngành dệt nhuộm phát triển mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc…, nên so với ngành may mặc, đầu tư vào dệt nhuộm ở nước ta kém hấp dẫn hơn. Các doanh nghiệp có vốn FDI, chiếm 70% doanh thu xuất khẩu, chủ yếu nhập nguyên phụ liệu để gia công thành phẩm tại Việt Nam. Trong khi nhiều dự án FDI dệt nhuộm bị các địa phương từ chối do lo ngại vấn nạn ô nhiễm môi trường từ nước thải gây ra, thì các doanh nghiệp dệt may trong nước lại không đủ nguồn vốn và trình độ kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng yêu cầu trong sản xuất dệt nhuộm.
Về sản lượng bông của chúng ta khá khiêm tốn, mặc dù Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về kim ngạch xuất khẩu dệt may, nhưng 98% lượng bông phải nhập khẩu. Nguyên nhân là do năng suất quá thấp, diện tích trồng phân tán, nhỏ lẻ chưa có vùng sản xuất tập trung. Hệ thống thủy lợi thì chưa phù hợp với việc tưới tiêu, phần lớn vẫn phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết…Lợi nhuận đem lại thấp và không ổn định nên không khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư vào trồng bông.
Trong những năm qua ngành dệt may đã rất nỗ lực xây dựng các dự án sản xuất nguyên phụ liệu nhưng kết quả còn hạn chế, vì lĩnh vực này cần nguồn lực lớn và thời gian dài mới có thể đem lại hiệu quả. Nhiều dự án không thành công vì chưa có sự kết nối giữa nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào, các nhà máy dệt xơ, sợi, vải và các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc.
Vải sản xuất trong nước phần lớn có chất lượng trung bình và thấp nên các doanh nghiệp nội địa phải nhập khẩu vải để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Và ngành dệt may buộc phải phụ thuộc vào nguyên phụ liệu từ nước ngoài, đa phần từ Trung Quốc và các nước ngoài khối CPTPP, EVFTA. Nguồn cung từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… chưa dồi dào, mẫu mã chưa phong phú. Hàng Trung Quốc còn có lợi thế rất lớn về giá và địa lý giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển,…Điều này dẫn đến dệt may Việt Nam sẽ khó có cơ hội được hưởng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại.
-
Phương hướng của Chính phủ về chủ động nguyên phụ liệu trong nước
Trong dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; nhà nước quy hoạch và xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp dệt may lớn, có hệ thống xử lý nước thải tập trung để thu hút các dự án dệt nhuộm; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến. Ngành dệt may xác định các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2020-2025 duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức 6%/năm.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch ngành giai đoạn 2035-2040, xây dựng khu công nghiệp từ 500-1.000 ha để kêu gọi đầu tư sản xuất vải, sợi, nhuộm. Để tạo điều kiện thu hút đầu tư cần phải có hạ tầng khu công nghiệp tốt như quỹ đất lớn, hệ thống xử lý nước thải, cung cấp nước sạch. Việc hình thành những cụm công nghiệp dệt nhuộm sẽ giúp quản lý tập trung các dự án, giải quyết phần nào nhu cầu về nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam…
Theo nghị quyết 115 của Chính phủ về mục tiêu phát triển nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu, huy động hiệu quả nguồn lực, ưu đãi về lãi suất, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị trong nước, thực thi hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để bảo vệ hợp lý thị trường nội địa, nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ…
Điều này cho thấy Chính phủ đã có định hướng rõ ràng về phát triển công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may và giúp ngành này tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
ngành dệt may Ảnh: sưu tầm
-
Đề xuất một số giải pháp để chủ động về nguyên phụ liệu trong nước
Quy hoạch các vùng trồng nguyên liệu lớn.
Quy hoạch các vùng trồng nguyên liệu tập trung, với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, có hệ thống tưới tiêu. Khuyến khích các hợp tác xã hoặc trang trại trồng bông diện tích lớn nhằm triển khai áp dụng công nghệ, phân bón, giống đồng bộ, chất lượng bông đồng đều. Người sản xuất có thể thuê đất với giá rẻ, có cam kết đầu ra trong thời gian đầu từ doanh nghiệp thu mua. Cần nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc giống, xây dựng quy trình sản xuất tiên tiến, khoa học để tăng năng suất bông, tăng lợi nhuận cho người trồng bông. Đồng thời thành lập quỹ bình ổn giá thu mua bông hạt trong nước để ổn định giá, đảm bảo lợi ích cho người trồng bông và phát triển ngành sản xuất bông Việt Nam về lâu dài. Nếu diện tích trồng nguyên liệu trong nước không đủ lớn, có thể khảo sát thêm ở các nước lân cận hoặc đầu tư sang châu Phi, nơi chúng ta đang mua bông từ họ để có nguồn cung đảm bảo về số lượng và chất lượng, nhằm tối đa hóa công suất cho các nhà máy dệt sợi. Còn về lâu dài khi phát triển các diện tích trồng bông nội địa thì sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người dân, nguồn nguyên liệu luôn chủ động và quy trình sản xuất dần được khép kín.
Hình thành các cụm công nghiệp xử lý nước thải dệt nhuộm.
Doanh nhiệp có thể tự đầu tư hệ thống xử lý chất thải khép kín, hoặc có thể thuê xử lý nếu cảm thấy phù hợp với tiềm lực tài chính. Việc đầu tư dây chuyền xử lý nước thải đòi hỏi vốn lớn và thời gian thu hồi rất chậm trong khi 75 – 85% công ty trong ngành dệt may có trình độ công nghệ trung bình và thấp, trong số hơn 7000 doanh nghiệp có gần 80% là DN vừa và nhỏ. Và nếu bắt buộc tất cả DN phải mua 1 hệ thống xử lý đạt chuẩn thì DN sẽ rất khó đáp ứng, khi đó những vi phạm các quy định về môi trường sẽ vẫn tiếp diễn trong bí mật. Tuy nhiên cần có khu công nghiệp dệt may và cụm xử lý chất thải tập trung, nơi Nhà nước đầu tư bài bản về hạ tầng. Những DN có hệ thống xử lý riêng cần được kiểm tra đầy đủ và thường xuyên quy trình trước khi nước chảy vào môi trường..
Có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất nguyên liệu và người sử dụng nguyên liệu.
Từ đó người nông dân có thu nhập đảm bảo, còn các doanh nghiệp dệt xơ, sợi có nguồn cung cấp đầu vào ổn định, có nơi tiêu thụ đầu ra, các hãng may mặc có thể nâng dần tỉ lệ nội địa hóa với nguồn cung cấp vải nội địa. Có thể hình thành trung tâm tập kết, thu mua, bảo quản, điều phối để đảm bảo giá cả không thất thường mỗi vụ thu hoạch, đảm bảo chất lượng bông được duy trì, hoặc khi tình hình thế giới có biến động, nguồn cung cấp nguyên liệu nước ngoài bị ngưng trệ thì doanh nghiệp dệt may không bị gián đoạn sản xuất. Trung tâm này góp phần giúp sự kết nối và điều hòa giữa thượng nguồn và hạ nguồn ngành dệt may được trơn tru.
Khuyến khích sử dụng các loại nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Tăng cường đào tạo kỹ thuật dệt các loại xơ, sợi, vải như vải lanh, tơ lụa, gai, bông hữu cơ và len bền vững, sợi, vải tái chế được; kỹ thuật dệt tiết kiệm nguyên liệu, ít sử dụng nước. Theo WRAP (bộ tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), các công ty trong chuỗi cung ứng hàng may mặc có thể cắt giảm 3% tác động của carbon, nước và chất thải nếu họ sản xuất quần áo bền hơn hiện tại khoảng 3 tháng và giảm đến 10% khi thời gian sử dụng được kéo dài 9 tháng. Làm tăng độ bền của hàng may mặc, thu hồi quần áo cũ và tăng cường sử dụng sợi tái chế là cách để đầu tư sản xuất bền vững ngay từ đầu.
Trước tiên người tiêu dùng có được lợi nhuận từ việc thu gom quần áo cũ thay vì bỏ đi, về lâu dài họ có ý thức về việc tái sử dụng đồ may măc, cũng như thấy được lợi ích từ việc giảm chất thải vào môi trường, giảm bớt lãng phí nguyên liệu. Cần khuyến khích các công ty, trường học may đồng phục cho nhân viên, học sinh từ các loại vải có sử dụng sợi tái chế, từ đó hình thành thói quen tiêu dùng cho người dân. Song song với việc giáo dục, tuyên truyền, khuyến khích, trong 1 số trường hợp cần quy định sử dụng vải tái chế trong cơ quan hành chính, nhà hàng, khách sạn, công xưởng…
Chính sách hỗ trợ của nhà nước
Nhà nước nên khuyến khích các tập đoàn lớn có nguồn vốn nhàn rỗi và không cần thu hồi nhanh, không chỉ trong ngành mà cả ngoài ngành đầu tư vào dệt nhuộm. Vì vấn đề dệt nhuộm khá phức tạp mà dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, nên nếu năng lực nội bộ ngành chưa đủ để tạo bứt phá nhanh thì cần sự chung sức của cả nền kinh tế. Để khuyến khích các tập đoàn ngoài ngành đầu tư vào dệt nhuộm, cần thu hút bằng ưu đãi trong cả lĩnh vực kinh doanh chính của họ. Những DN lớn này nên được tiếp cận nguồn lực đặc biệt, gồm cả tài nguyên một cách ưu đãi, đổi lại họ đầu tư vào 1 lĩnh vực đang thiếu nhà đầu tư, nhờ đó cũng góp phần giải quyết lao động dư thừa ở nông thôn, nâng cao tay nghề cho lao động phổ thông, có thể xây dựng thương hiệu lớn cho ngành nghề, vực dậy ngành cần thiết trong hiện tại và tương lai nhưng trước đây chưa có nhiều nguồn lực phát triển… Tuy nhiên, nếu DN khó có thể đầu tư vào tất cả các khâu như dây chuyền hiện đại, dệt vải thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo…thì khuyến khích tập trung đầu tư ở 1 khâu để chuyên môn hóa cao hơn.
Cần một quá trình sắp xếp lại các DN đang kinh doanh không hiệu quả hoặc quá nhỏ trước ức ép cạnh tranh để tái cơ cấu và nâng cao mặt bằng của ngành dệt may. Những DN này nên chuyển đổi thành 1 phân xưởng của các tập đoàn lớn, thực hiện 1 công đoạn là thế mạnh của họ trong cả quá trình sản xuất. Sự kết hợp này sẽ giúp DN nhỏ duy trì và phát triển trong bối cảnh sẽ phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập trên sân nhà, đồng thời nâng cao dần chất lượng sản phẩm nội địa. Tuy nhiên những hàng hóa chất lượng trung bình vẫn phục vụ một bộ phận lớn người dân nông thôn. Hoặc tiến hành cổ phần hóa những DN không hoạt động hiệu quả, với sự tham gia của cả tập đoàn trong nước và nước ngoài. Các tập đoàn đa quốc gia thường tận dụng ưu thế là thương hiệu toàn cầu, tận dụng thị phần sẵn có của DN nội được mua lại, sẽ có sức cạnh tranh mạnh mẽ với cả thương hiệu Việt ngay trên sân nhà. Họ có lợi thế về danh tiếng, về công nghệ hiện đại, về nguồn cung cấp nguyên liệu, bạn hàng và các mối quan hệ quốc tế khác, trong khi người VN có thu nhập ngày càng tăng và có xu hướng ưa thích hàng ngoại.
Tăng cường xúc tiến thương mại để ngành dệt may mở rộng thị trường. Với RCEP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN. Do vậy với chất lượng sản phẩm và trình độ kỹ thuật hiện tại, chúng ta có nhiều cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng của khu vực. Đồng thời tìm kiếm cơ hội trở thành 1 phần của các chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu với các tập đoàn nổi tiếng, quy mô lớn, có ảnh hưởng rộng. Khi chất lượng đảm bảo và có thương hiệu, tạo được uy tín thì về lâu dài chúng ta sẽ có được chỗ đứng trong thị trường toàn cầu. Thương hiệu có thể được xây dựng bởi tự thân doanh nghiệp, có thể do các tập đoàn lớn vốn dĩ đã có uy tín và kinh nghiệm quốc tế.
Nỗ lực xây dựng doanh nghiệp dệt may theo hướng đáp ứng được tiêu chí của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhà nước cần thành lập các quỹ về đầu tư đổi mới công nghệ, sản xuất nguyên liệu, sản phẩm bền vững với môi trường, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Doanh nghiệp có thể vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế trong những năm đầu nếu sản xuất để xuất khẩu. Nguồn vốn có thể sử dụng xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống tưới tiêu, hỗ trợ xây dựng nhà máy, dây chuyền công nghệ, kho hàng, máy móc canh tác; hỗ trợ đào tạo người trồng nguyên liệu, kỹ sư theo các chương trình tiên tiến; hoặc đầu tư trung tâm thu mua, kênh phân phối; tổ chức đàm phán quốc tế và quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp Việt.
Như vậy, để có sự bứt phá trong việc tăng tỉ lệ nội địa hóa của ngành dệt may, cần có sự kết hợp đồng bộ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, cần sự quyết tâm và huy động nguồn lực cả trong và ngoài ngành, giúp ngành dệt may nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta tham gia.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ban Dự báo Kinh tế Ngành và Doanh nghiệp (Bộ kế hoạch và đầu tư) (2019), Tình hình ngành dệt may năm 2019 và triển vọng 2020: cơ hội và thách thức từ các Hiệp định Thương mại Tự do
- Báo cáo xuất nhập khẩu Bộ công thương (2016-2020)
- Hoàng Việt (2020), Giải bài toán về nguyên, phụ liệu cho dệt may Việt Nam, Báo nhân dân
- Bảo Trân (2020), Chất thải may mặc và sáng kiến xử lý của các quốc gia phát triển, Lao động
- Hà Ánh (2019), Nỗi lo ô nhiễm từ ngành dệt may, Kinh tế đô thị
- Lê Tiến Trường (2019), Phát triển chuỗi giá trị bền vững trong ngành công nghiệp dệt may, Hội nghị Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững
- https://www.gso.gov.vn