Khi còn học phổ thông, tôi đã từng xem những bộ phim nổi tiếng như Cô chủ nhỏ, Người giàu cũng khóc, Ngôi nhà nhỏ trên cao nguyên, Đơn giản tôi là Maria, Trở về Eden phần 1 và phần 2. Đó là thời kỳ thịnh hành của một số phim Mỹ La-tinh khác nữa. Những bộ phim Venezuela dài dằng dặc, tràn ngập những người đẹp ngất ngây ở mọi nơi, đẹp từ chính đến phụ, đẹp từ chính diện đến phản diện, đẹp như thể đạo diễn không cần màng đến cát-xê hoặc không cần bận tâm đến hình thức nữa. Sau này tôi mới biết đây là một trong những nơi sản sinh ra rất nhiều hoa hậu của thế giới. Ngày ấy tivi hiếm lắm, mà cũng chỉ có đen trắng thôi. Thế nên người ta hay đi xem nhờ nhà hàng xóm. Đặc biệt là ở nông thôn những năm 90 thời ấy mất điện như cơm bữa. Nên mỗi lần có điện thì người lớn trẻ nhỏ hò reo ầm ĩ, vang đến tận tai của quả núi ế mà tôi đã từng kể, khiến nó đang u sầu cũng hốt hoảng giật mình và đáp lại như một thói quen mọi lúc. Và mỗi lần như thế, trẻ con kéo nhau đến nhà ai có ắc quy ngồi xem đông như thể xem đĩa bay của người ngoài hành tinh hạ cánh xuống Trái đất vậy.
Lên đại học, tôi thích đọc tiểu thuyết và tận dụng cơ hội mượn truyện từ thư viện của trường, dù phải đứng xếp hàng như lúc chờ mượn sách. Tôi đã đọc được những cuốn khá nổi tiếng như Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Con hủi, Hồng lâu mộng… Một số có cách viết rất cổ điển, và có vẻ ngoài vàng phai theo năm tháng, in dấu tay theo bao thế hệ học trò đến và đi như một điều tất yếu. Vì thời gian được mượn là giới hạn, nên cứ mượn rồi trả rồi lại mượn vài lần mới đọc hết được một quyển.
Khi tôi còn nhỏ tuổi, những năm đó báo giấy thịnh hành lắm. Nhưng tôi có điều kiện được đọc nhiều báo ngay khi còn học tiểu học. Mặc dù không nhớ chính xác, nhưng tôi chủ yếu được xem báo Nhân dân, Lao động, An ninh thế giới, Tri thức trẻ. Theo nhận xét của một đứa trẻ lúc ấy là những tờ báo này “già quá” nhưng tôi chẳng bỏ sót tờ nào. Sau này có thêm những quyển báo Tết bóng láng là háo hức vì rất dày và rất đẹp.
Một lần đang giở các trang của một tờ báo, đột nhiên tôi thấy một bức hình nhìn hơi cũ, về một phi hành gia đẹp và rất sáng khuôn hình, có nụ cười rất tươi và rất hiền hậu, mặc bộ quần áo màu cam, đầu đội mũ có ký hiệu CCCP. Đó là người đàn ông đầu tiên bay vào không gian, Yuri Gagarin. Nụ cười rạng rỡ được mệnh danh làm xua tan băng giá của cuộc Chiến tranh Lạnh, như một thành quả vượt trội của cả thế giới chứ không chỉ của mình Liên Xô. Dù Mỹ và Liên Xô đã chạy đua với nhau không ngừng vì điều này. Nơi nào ông đến thăm và mang theo nụ cười, tất cả công chúng vây quanh để nhìn thấy điều mà trước đây là không tưởng. Lòng đố kỵ và đối đầu buốt giá tưởng chừng đến -100 độ C của chiến tranh Lạnh đã tan chảy trước nụ cười ấm áp cảm tưởng đến 1000 độ C. Đối với một đứa trẻ, điều ấy thật cuốn hút, thật ấn tượng, thật phi thường biết nhường nào. Trên thế giới có vô vàn quốc gia giàu có, nhưng không phải nước nào cũng có phi hành gia, vì vậy chúng ta rất đáng tự hào.
Ảnh: Sưu tầm
Thế là bức ảnh được cắt ra khỏi tờ báo một cách cẩn thận, thỉnh thoảng lấy ra ngắm lại, ước gì một ngày được gặp phi hành gia, dù ông bay vào vũ trụ năm 27 tuổi (1961), đã mất khi còn rất trẻ, chỉ mới 34 tuổi (1968). Đúng là sự ngưỡng mộ và một giấc mơ viển vông không bao giờ thành sự thực.