Hiện nay khách hàng toàn cầu đang hướng tới tiêu dùng xanh và nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới đang thay đổi phương thức sản xuất theo hướng bền vững với môi trường. Vì vậy, để có thể hưởng ưu đãi mang lại từ các hiệp định tự do thương mại và tham gia sâu hơn vào chuỗi liên hết toàn cầu, ngay từ bây giờ doanh nghiệp cần hướng tới một số giải pháp góp phần phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh và thể hiện trách nhiệm với xã hội.
Thực trạng ô nhiễm trong ngành dệt may Việt Nam
Tại Việt Nam, ngành dệt may đang là một trong những ngành kinh tế chủ lực, với giá trị xuất khẩu đóng góp 10-16% vào GDP hằng năm, giải quyết việc làm cho gần 3 triệu lao động. Tuy nhiên, trong các giai đoạn sản xuất, ngành này sử dụng rất nhiều nguồn nguyên liệu, năng lượng và các chất hóa học, tác động đến môi trường ở nhiều phương diện: Ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất.
Ô nhiễm nguồn nước
Việt Nam hiện có khoảng 177 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nhuộm in hoa và xử lý hoàn tất vải; 750 máy nhuộm gián đoạn và khoảng 100 thiết bị nhuộm dạng sợi. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trình độ công nghệ trong ngành nhuộm chậm hơn các khu vực xung quanh khoảng 15 – 20 năm. Số doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình và thấp chiếm khoảng 75 – 85%. Lượng hóa chất các loại sử dụng trong DN dệt, nhuộm khoảng 500 – 2.000 kg/tấn sản phẩm.
Nước thải dệt nhuộm chứa rất nhiều hóa chất và thuốc nhuộm như axit, dung môi hữu cơ kiềm tính, thuốc nhuộm và chất màu, các hoạt chất bề mặt và cả những chất khó phân giải vi sinh như: Polyvinyl axetat, thuốc nhuộm phân tán, thuốc nhuộm hoạt tính và các chất dùng tẩy trắng vải. Với các loại vải như polyester thì càng dùng nhiều chất khó hoặc không phân giải vi sinh, dẫn tới nguy cơ ô nhiễm môi trường trong nước thải càng cao.
Hiện trang ô nhiễm nước thải tại những làng nghề dệt nhuộm đang là một trong những vấn đề nan giải tại các địa phương. Các cơ sở dệt nhuộm với quy mô nhỏ, phát triển tự phát, công nghệ lạc hậu và không đồng bộ, không có hệ thống xử lý nước thải bài bản, và thiếu hiểu biết đầy đủ về tác hại cũng như cách thức xử lý ô nhiễm môi trường.
Bảng: Các chất ô nhiễm ngành dệt may
Công đoạn | Chất ô nhiễm trong nước thải |
Hồ sợi, rũ hồ | Tinh bột, glucose, polyvinyl, nhựa… |
Nấu tẩy | Naoh, soda, chất sáp, silicat, sợi vải vụn |
Tẩy trắng | Hypoclorit, các hợp chất chứa clo, axit, tạp chất… |
Làm bóng | Naoh, tạp chất… |
Nhuộm | Các loại thuốc nhuộm, axit axetic, các loại muối kim loại |
In | Chất màu, tinh bột, dầu muối, kim loại, axit… |
(Nguồn: Hội hóa học Việt Nam)
Ô nhiễm không khí
Công nghiệp dệt may của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước có cường độ sử dụng năng lượng lớn nhất thế giới. Có đến gần 200 DN dệt may thuộc diện DN phát thải trọng điểm (tiêu thụ 1.000 tấn CO2 quy đổi). Các khu dân cư sống hoặc làm việc gần các nhà máy dệt may có thể chịu ảnh hưởng lớn nhất. Các nhân tố gây ô nhiễm không khí trong ngành này bao gồm: Nitrous oxide và sulphur dioxide tạo ra trong giai đoạn tạo năng lượng; Các hạt tạp sản sinh ra trong hoạt động xử lý cotton; Hơi Alinin, chlorine và chlorine dioxide… được sinh ra trong quá trình nhuộm và tẩy…
Các phân xưởng tẩy nhuộm thải ra ngoài hơi nước gồm cả hóa chất tẩy và nhuộm, đa phần các loại phẩm nhuộm đều có độc tính có thể gây ung thư như thuốc nhuộm azo. Các phân xưởng dệt, may tạo ra bụi bông có thể gây suy hô hấp, kích ứng da…Bụi bông có thể chứa xác thực vật, vi khuẩn, nấm, đất, thuốc trừ sâu…đã tích tụ với bông trong quá trình trồng trọt, thu hoạch, chế biến hoặc bảo quản.
Ô nhiễm chất thải rắn
Xu hướng thời trang nhanh (fast fashion) đã khiến đồ may mặc bị đào thải nhiều hơn, trong khi đó ý thức tái sử dụng, tái chế và dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn còn thấp trong những khách hàng của ngành thời trang Việt Nam. Quần áo cũ và lỗi thời bị vứt bỏ và cuối cùng cũng bị đẩy ra các bãi rác. Một số chất rắn gây ô nhiễm phổ biến của ngành may mặc bao gồm các xơ vải, sợi thừa, vải vụn có thể tái sử dụng hoặc không thể tái sử dụng được, sáp, phụ kiện, phụ liệu, vật liệu đóng gói như giấy, nhựa, kim loại phế thải, giẻ dính dầu mỡ…
Hai phần ba lượng sợi sử dụng trong dệt may là sợi tổng hợp, vốn có cùng họ với nhựa. Tuy nhiên, khi chôn lấp, vải nhuộm và sợi tổng hợp khó phân hủy. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các vi nhựa đã xâm lấn vào chuỗi thức ăn của loài người – một vấn đề mà chúng ta hiện chưa lường hết mức độ hậu quả.
Riêng trên địa bàn Hà Nội, theo Sở TN&MT, đến thời điểm hiện tại, làng nghề thuộc nhóm nhuộm và thuộc da được phân bố tại địa bàn các quận, huyện như Hà Đông, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Oai, Hoài Đức…Các làng nghề truyền thống giúp tạo việc làm, thu nhập cho người dân, cải thiện đời sống. Nhưng do công nghệ lạc hậu, nguồn vốn không dồi dào, rác thải đổ ra bãi chôn lấp chung với rác thải sinh hoạt.
Xu hướng phát triển của ngành dệt may thế giới và phương hướng của Chính phủ trong giải pháp phát triển bền vững ngành dệt may
Thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, hằng năm, ngành thời trang tiêu thụ khoảng 93 tỉ m3 nước, tương ứng với nhu cầu của 5 triệu người, chiếm 8-10% lượng khí thải carbon, nhiều hơn tất cả các chuyến bay quốc tế và vận tải biển cộng lại. Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, ngành dệt nhuộm sử dụng 1/4 lượng hóa chất và thải ra 1/5 lượng nước ô nhiễm và khoảng 1/2 triệu tấn vi sợi, tương đương với 3 triệu thùng dầu đang bị đổ xuống biển mỗi năm. Được định giá khoảng 2,4 nghìn tỷ USD nhưng ngành thời trang mất khoảng 500 tỷ USD giá trị mỗi năm do không có đồ tái chế và quần áo bị vứt vào bãi rác trước khi được bán. Dệt may trở thành một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường nhất toàn cầu.
Trước thực tế này, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Pháp năm 2019, 150 thương hiệu thời trang lớn nhất thế giới như Chanel, Calvin Klein, Adidas, Nike, H&M… đã tham gia bản cam kết “The Fashion Pact” được đề xuất bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về phát triển dệt may bền vững, hướng đến mục tiêu đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, giảm thiểu tác động của thời trang đối với môi trường, bảo vệ nền đa dạng sinh học và đại dương, nắm bắt được xu thế “kinh tế tuần hoàn”…
Theo dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, ngành Dệt may xác định các mục tiêu, kế hoạch 5 năm 2020-2025 như: Duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 5 năm tới ở mức 6%; Thực hiện chiến lược xanh hóa ngành; nâng cao chất lượng môi trường làm việc và thu nhập cho người lao động; ứng dụng có hiệu quả các thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng đã thành lập Ủy ban Môi trường và đã tham gia mạnh vào chương trình hành động “Xanh hóa ngành dệt may” với sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế như: Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan phát triển quốc tế Đức (GIZ), Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), Ngân hàng thế giới – chương trình nước 2030- WRG2030, Liên minh Dệt May bền vững.
Với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta tham gia, đặc biệt các FTA thế hệ mới đều có quy định về cam kết bảo vệ môi trường, phát thải các bon thấp. Đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng khí thải đang gây ô nhiễm môi trường, càng đòi hỏi các DN dệt may phải cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng, sản xuất theo hướng bền vững để vững vàng trong môi trường kinh doanh toàn cầu.
Đề xuất một số giải pháp phát triển góp phần bền vững ngành dệt may Việt Nam
Ứng dụng công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất sạch
Để nâng cao năng lực sản xuất và giảm thiểu chất thải, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, ngành dệt may cần triển khai mạnh hơn việc áp dụng công nghệ và mô hình sản xuất theo hướng bền vững. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư công nghệ xử lý nước thải hiện đại và có công suất đủ lớn, ứng dụng các loại công nghệ tiết kiệm nước, tái chế và sử dụng nước thải. Tuy đòi hỏi số vốn rất lớn nhưng sẽ mang lại lợi nhuận, uy tín lâu dài cho doanh nghiệp và thể hiện trách nhiệm với xã hội. Ở các khu, cụm công nghiệp có hoạt động của ngành dệt may, nhất thiết phải có hệ thống xử lý chất thải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Cần đa dạng hóa nguồn vốn và thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động đổi mới công nghệ; hỗ trợ DN vay được vốn ưu đãi; hoàn thiện quy chế hoạt động của các Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia giúp cho DN tiếp cận được dễ dàng và thuận tiện hơn.
Quản lý hóa chất dệt nhuộm
Ở Việt Nam, lượng hóa chất các loại sử dụng trong các doanh nghiệp dệt nhuộm khoảng từ 500 – 2.000 kg/tấn sản phẩm, trong đó có cả hóa chất dạng vô cơ và hữu cơ là axit, kiềm, dung môi và các loại muối khác. Cần xây dựng hướng dẫn tích hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Việt Nam cũng như chính sách của quốc tế các biện pháp về quản lý an toàn hóa chất, kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn cho các doanh nghiệp cách xác định hóa chất an toàn, được phép sử dụng, các hóa chất nguy hiểm. Cũng cần xây dựng các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn trong ngành, đồng thời tạo nên sự kết nối giữa các doanh nghiệp về các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước, lợi ích của việc sử dụng hiệu quả nguyên liệu, hóa chất để tiết kiệm chi phí tài chính và bảo vệ môi trường.
Quản lý chặt chẽ các làng nghề dệt nhuộm
Các cơ sở này chủ yếu có quy mô hoạt động sản xuất nhỏ, lạc hậu, không đồng bộ, chủ yếu phát triển tự phát, chịu sự chi phối của thị trường. Vì vậy, để phát triển bền vững làng nghề dệt nhuộm thì vai trò của nhà nước là rất quan trọng. Nhanh chóng xây dựng, ban hành và áp dụng văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề. Cần tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý với cộng đồng làng nghề. Tăng cường hoạt động giám sát môi trường và xử lý triệt để các cơ sở làng nghề sản xuất gây ô nhiễm.Mở các lớp tập huấn hướng dẫn và hỗ trợ áp dụng các quy trình xử lý cơ học, vi sinh, hóa lý đạt chuẩn của nhà nước quy định. Các làng nghề dệt nhuộm tiến hành xây dựng các quy định, cam kết bảo vệ môi trường của chính địa phương mình.
Áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng
Trung bình mỗi năm ngành dệt may Việt Nam mất 3 tỷ USD cho chi phí năng lượng sản xuất. Việt Nam thuộc những nước có cường độ sử dụng năng lượng cao trên thế giới. Trong khi đó hiện nay một số thị trường lớn như Mỹ, EU đã có yêu cầu các nhà nhập khẩu phải tính toán mức độ phát thải cacbon trên dây chuyền công nghệ sản xuất ra trên từng sản phẩm dệt may. Tiết kiệm năng lượng sẽ giúp DN giảm giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp cần đầu tư các thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng. Đầu tư điện mặt trời tại các nhà máy đủ điều kiện tự nhiên, tăng cường sử dụng điện có nguồn gốc năng lượng tái tạo. Đồng thời có thể tiết kiệm năng lượng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất thông qua việc bố trí nhà xưởng, văn phòng làm việc sao cho tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, cần giảm bớt chiếu sáng chung, sử dụng đèn hiệu suất cao như: led, compact, huỳnh quang…
Ngoài ra, DN cần chọn động cơ máy may có công suất phù hợp, sử dụng hiệu quả hoặc vận dụng nhiệt năng của hệ thống lò hơi vào hệ thống sử dụng phụ như nhà bếp, bố trí mạng lưới phân phối hơi hợp lý. Sử dụng hệ thống làm mát bằng hơi nước có chi phí đầu tư và vận hành thấp, hàm lượng ôxy tăng, tạo môi trường làm việc lý tưởng giúp tăng năng suất lao động và đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Tự chủ về nguyên liệu và sử dụng nguyên liệu sạch
Khi tự chủ về nguyên phụ liệu, các DN dệt may trong nước có thể đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ, hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Các hãng quần áo cần kéo dài tuổi thọ sản phẩm mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Quần áo được sản xuất với mục đích tái sử dụng, tái chế, ứng dụng các kỹ thuật để cắt giảm hóa chất độc hại. Các nhà sản xuất cũng cần đầu tư vào các công nghệ tái chế hàng dệt đã qua sử dụng có bổ sung sợi nguyên chất.
Các công ty trong chuỗi cung ứng hàng may mặc có thể cắt giảm tác động của carbon, nước và chất thải nếu họ sản xuất quần áo bền hơn hiện tại. Hãng M&S của Anh đã sản xuất một dòng trang phục nam với 50% len được tái chế. Các công ty may cũng cần tăng cường sử dụng sợi vải bền vững về môi trường như vải lanh, gai dầu, tơ lụa, gai, bông hữu cơ, và len bền vững. Và các hãng thời trang sẽ thông báo cho khách hàng về nguồn gốc và cách thức sản xuất đồ may mặc.
Thay đổi thói quen tiêu dùng
Người tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ tuổi luôn muốn thay đổi nên quần áo sử dụng một vài lần do chạy theo các xu hướng mới. Vì vậy nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, thay đổi thói quen của họ đối với sản phẩm thời trang là một cách để làm chậm thời trang nhanh. Ngành may mặc có thể coi là ngành công nghiệp dùng một lần vì tốc độ nhanh chóng mà các thiết kế mới được tung ra thị trường. Sử dụng quần áo trong thời gian dài hơn có thể góp phần giảm lượng chất thải may mặc. Hơn nữa cần tạo xu hướng tiêu dùng sản phẩm có thành phần tái chế thu hồi từ đồ cũ mua lại và khuyến khích người tiêu dùng mua quần áo được sản xuất theo lối bền vững với môi trường.
Tài liệu tham khảo
- Lê Tiến Trường (2019), Phát triển chuỗi giá trị bền vững trong ngành công nghiệp dệt may, Hội nghị Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững;
- Bảo Trân (2020), Chất thải may mặc và sáng kiến xử lý của các quốc gia phát triển, báo Lao động;
- Hà Ánh (2019), Nỗi lo ô nhiễm từ ngành Dệt may, Báo Kinh tế đô thị;
- Cameron Boggon (2019), How polluting is the fashion industry?, EKOenergy;
- Một số website: http://www.vietnamtextile.org.vn, http://ceid.gov.vn, http://hanoitv.vn…