Học trực tuyến là phương pháp học đã áp dụng phổ biến và thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore… Trong thời đại của nền kinh tế tri thức và công nghệ 4.0, học trực tuyến đang ngày càng khẳng định nhiều ưu điểm vượt trội: tiết kiệm chi phí, không giới hạn về không gian, thời gian và độ tuổi, mang tính tương tác cao dựa trên đa phương tiện…Theo nhiều chuyên gia giáo dục, học trực tuyến sẽ là xu hướng mà Việt Nam cần hướng đến phát triển. Bởi chỉ khi học tập thường xuyên và học tập suốt đời thì chúng ta mới có thể cập nhật được kiến thức và thích ứng được với sự biến đổi của nghề nghiệp và cả môi trường sống.
Từ khóa: dạy học trực tuyến, ưu điểm, giải pháp
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến (DHTT) trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đây là hành lang pháp lý quan trọng công nhận chính thức và cho thấy vai trò của giảng dạy trực tuyến, là loại hình hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, tạo điều kiện triển khai đầy đủ và phát huy hiệu quả cũng như những ưu điểm của phương pháp đào tạo này.
Tại Việt Nam, học tập trực tuyến đang được nhiều trường đại học cả ở khối công lập và ngoài công lập triển khai theo các hình thức: trực tuyến hoàn toàn và kết hợp giữa truyền thống và trực tuyến. Các mô hình đào tạo tiêu biểu có thể kể đến như Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh triển khai từ 2016 và đến nay đang đào tạo 9 ngành gồm Kế toán, Kinh doanh quốc tế, Quản trị nhân lực, Quản trị kinh doanh, Kiểm toán, Ngôn ngữ Anh, Tài chính ngân hàng, Luật học, Luật Kinh tế; Trường ĐH Mở Hà Nội triển khai từ năm 2009, đến nay có 7 ngành gồm Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành… Ngoài ra một số tổ chức đã thực hiện đào tạo trực tuyến khá thành công như Topica, Unica, Hocmai.vn…
Ưu điểm khi dạy học trực tuyến
Dạy và học online là một xu thế tất yếu mà các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đang hướng tới. Trong thời đại 4.0, nhiều người có xu hướng lựa chọn học online bởi cách học thuận tiện, linh hoạt về thời gian lẫn địa điểm.
Lợi thế của đào tạo trực tuyến là mang lại cơ hội tiếp cận giáo dục dễ dàng hơn cho người học. Học online giúp truyền đạt kiến thức nhanh chóng ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào. Bài giảng, tài liệu học tập, câu hỏi, bài kiểm tra đều được lưu trữ trên nền tảng trực tuyến, người học có thể dễ dàng truy cập những nội dung này. Học viên có thể chuẩn bị về chủ đề trước khi học và sau buổi học để ôn tập, củng cố lại kiến thức. Đây là 1 cách rất hữu ích để người học có thể nghiên cứu nhiều lĩnh vực và còn nhiều thời gian hơn cho sở thích hoặc tìm kiếm việc làm. Đặc biệt, đối với những học sinh, sinh viên khuyết tật thì hình thức học online sẽ hỗ trợ các em rất nhiều và giúp cho gia đình các em bớt khó khăn hơn trong việc di chuyển.
Đào tạo trực tuyến sẽ đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng và năng lực khác biệt giữa các học sinh trong lớp. Bằng cách truy cập vào các nội dung trên các nền tảng quản lý học liệu do giáo viên cung cấp, người học có thể học nhiều lần, linh hoạt về không gian và thời gian, phù hợp với khả năng tiếp nhận và điều kiện học tập, và lựa chọn thời điểm ít bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh.
Vì vậy các cơ sở đào tạo có thể thu hút thêm học viên. Chúng ta cần hiểu rằng không chỉ học sinh, sinh viên, mà cả người đi làm cũng cần bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ thì học trực tuyến với họ rõ ràng càng thuận lợi hơn. Và điều gì xảy ra khi 1 sinh viên nước ngoài muốn học thêm văn bằng chứng chỉ ở Việt Nam. Hoặc 1 sinh viên đang theo học hệ chính quy tại 1 trường đại học miền Nam nhưng muốn tham gia một khóa học ngắn hạn tại 1 trường ở miền Bắc. Khoảng cách địa lý tạo rào cản cho việc học và có thể ngăn cản cơ hội tiếp cận giáo dục của nhiều người.
Phương thức đào tạo này cũng tiết kiệm chi phí và thời gian học tập. Việc học online giúp người học giảm thiểu khoảng 60% chi phí cho việc đi lại, địa điểm tổ chức học tập…Những cấp học thấp thì học trực tuyến giúp phụ huynh không phải sắp xếp thời gian và công việc để đưa đón con em thường xuyên. Từ đó tiết kiệm năng lượng, hạn chế ô nhiễm không khí và tắc nghẽn giao thông. Mỗi học viên đều có thể đăng ký nhiều khóa học và thanh toán trực tuyến. Việc thiết lập một website cùng học liệu là rẻ hơn nên các cơ sở giáo dục sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí ban đầu khá lớn cho việc xây dựng hoặc thuê địa điểm trường học, bàn ghế, tiền điện, nước, nhân viên…So với việc học tại trường thì học viên có thể tiết kiệm từ 20 đến 40% tổng thời gian dành cho việc học tập. Ngoài ra, học viên còn có thể nghiên cứu, nâng cao thêm kiến thức thông qua những tài liệu của thư viện trực tuyến, bài giảng điện tử, tài liệu tham khảo, video…
Đối với học sinh các em có thể rèn luyện thêm nhiều kỹ năng. Học sinh sẽ biết cách sắp xếp thời gian học tập, làm bài, cách thức trao đổi với thầy cô, bạn bè để hoàn thành tốt nhất quá trình học tập tại nhà. Học online cũng giúp các em rèn luyện ý thức tự giác, kĩ năng sử dụng các phần mềm, thao tác máy tính, kỹ năng tìm kiếm tài liệu, trình chiếu…Học sinh sẽ dần đi vào nề nếp và rèn luyện được năng lực tự học – một năng lực của thời đại 4.0.
Ngoài ra, học online giúp việc tương tác của học sinh với thầy cô và bạn bè theo nhiều cách thức trong thời đại số. Một số ý kiến cho rằng học trực tuyến làm giảm sự tương tác của học sinh với bạn bè và giáo viên. Song tôi cho rằng khi triển khai học trực tuyến chúng ta có thể sử dụng 1 phần mềm chủ đạo nhưng kết hợp nhiều ứng dụng có thể tăng sự tương tác qua nhiều kênh khác nhau. Nếu biết tận dụng tối đa chắc chắn sẽ vẫn rất hiệu quả. Các em có thể tương tác qua zalo, facebook, email…Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên khi học online rất tích cực trả lời câu hỏi, làm bài tập, trong khi trên lớp các em lại e dè xung phong lên bảng.
Học sinh sẽ có thời gian học hỏi, giao lưu thông qua các khóa học bổ ích khác và tăng thời gian tương tác với bạn bè trong quá trình tham gia các khóa học này, khi các em được giải phóng hoàn toàn khỏi thời gian học kiến thức. Làm sao để một sinh viên sau 4 năm học, không chỉ cầm trên tay 1 tấm bằng đại học, mà còn có thêm một số văn bằng, chứng chỉ khác, đã thực tập nhiều nơi, có nhiều kỹ năng, và trở thành 1 người hoàn thiện. Từ đó có thể tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, với mức lương cao hơn, hòa nhập vào cuộc sống tốt hơn.
Hạn chế của việc học trực tuyến
Hiệu quả của quá trình học trực tuyến bị ảnh hưởng bởi thời gian và không gian tương tác, bởi công nghệ và điều kiện của mỗi gia đình. Phụ thuộc chất lượng mạng internet, hệ thống thiết bị dạy học và môi trường xung quanh. Chất lượng hình ảnh, âm thanh hay truyền file ở nơi mạng yếu là không ổn định. Môi trường học có thể tại nhà, cơ quan hay bất cứ nơi nào có mạng kết nối dẫn đến tiếng ồn từ tivi, từ người xung quanh, từ xe cộ, đều ảnh hưởng đến việc học. Đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số thì hầu như không có điều kiện để được mua sắm trang bị thiết bị học. Các trường miền núi có cơ sở vật chất thiếu thốn, nếu có internet thì do địa hình hiểm trở, hạ tầng viễn thông yếu nên việc truy cập, phục vụ việc dạy và học trực tuyến gặp khó khăn. Ở vùng sâu vùng xa nhiều nơi không có điện, không có mạng, đời sống người dân nhiều khó khăn nói chi đến việc mua sắm máy tính, điện thoại thông minh. Vận động được các em đi học là nỗ lực không nhỏ của các thầy cô và ngành giáo dục địa phương. Có 1 nghịch lý rằng chính học sinh miền núi thì nên và học online sẽ giúp các em không phải di chyển cả mấy cây số đường đèo hiểm trở để đến được điểm trường, nhưng cũng tại miền núi thì hạ tầng viễn thông, thiết bị cũng rất thiếu thốn, không đáp ứng việc học trực tuyến.
Dẫn đến có sự không đồng đều giữa các địa phương và giữa các học sinh về kết quả học tập. Với những em có đầy đủ thiết bị học tập, có tính chủ động cao và gia đình quản lý tốt thì học trực tuyến phát huy nhiều tác dụng. Nhưng những em mà điều kiện còn khó khăn và không được quản lý thường xuyên sẽ học trong sự đối phó. Đặc biệt là sự chênh lệch giữa thành thị với miền núi khi học sinh miền núi thiếu thốn trong cuộc sống và điều kiện học tập nghèo nàn. Bởi lẽ ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, không phải gia đình nào cũng trang bị được mạng, máy tính, điện thoại thông minh để cho con em mình học tập. Ngoài ra, nhiều phụ huynh không có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để trợ giúp cho con em mìn, hoặc hàng ngày vẫn phải đi làm nên không có thời gian để tổ chức, quản lý việc học của con em ở nhà…
Việc lựa chọn phần mềm cho quá trình dạy online là 1 trong những khó khăn dễ thấy. Hầu như các trường đều phải đối mặt với việc cần xác định những phần mềm nào được nhiều người dùng phản hồi tích cực, thao tác dễ dàng, tính năng đa dạng, bảo mật cao… Đó là chưa kể đến các vấn đề như chi phí mua bản quyền có phù hợp năng lực tài chính của cơ sở đào tạo, kỹ năng sử dụng thông thạo các công cụ, sự phối hợp đồng bộ với các môn học khác…Ngoài ra, thời gian qua cho thấy có vấn đề lớn đối với sự bảo mật thông tin người dùng các phần mềm dạy học trực tuyến, có thể bị hacker lợi dụng chiếm đoạt tài khoản và thông tin cá nhân. Hơn nữa do tài liệu post lên web công khai nên nảy sinh cả vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.
Vấn đề nữa là cần thay đổi nhận thức của ngành giáo dục, các nhà quản lý, giáo viên, học viên, phụ huynh. Chúng ta đã quen với việc học trực tiếp theo các phương pháp truyền thống trong một thời gian khá dài. Do chuyển đổi đột ngột, nhiều giáo viên chưa kịp thay đổi phong cách giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến, thay đổi nội dung bài giảng, các hoạt động của giáo viên và sinh viên, nên ko kịp thích nghi với tình hình. Điều này gây áp lực không nhỏ cho cả người dạy và người học.
Trước đây, chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về công nhận kết quả học trực tuyến, khiến cho cả người dạy và học trong thời gian dạy trực tuyến không cố gắng hết mình. Giáo viên và học sinh có tâm lý rằng đằng nào khi học trực tiếp tại trường cũng phải dạy lại. Học sinh chưa chủ động và tích cực trong việc học và kiểm tra. Phụ huynh chưa hợp tác với nhà trường trong việc hỗ trợ con em mình học tập.
Sự tương tác giữa các học sinh với nhau và với thầy cô giáo sẽ không như trong các lớp học thông thường. Giảng viên và người học sẽ phải tăng cường sử dụng và kết hợp nhiều ứng dụng để tăng sự tương tác vì vậy đòi hỏi phải thông thạo công nghệ hơn. Điều này là không hề đơn giản với các thầy cô đã nhiều tuổi, và cả học viên lớn tuổi không quá thành thạo về máy tính. Việc thực hành thí nghiệm cũng không được như đào tạo truyền thống do có khoảng cách giữa người dạy và người học.
Việc soạn bài giảng cũng như chuẩn bị tài liệu cho việc học trực tuyến vất vả hơn nhiều. Giáo viên cần cung cấp bài giảng, tài liệu tham khảo, hệ thống câu hỏi, bài tập củng cố, bài kiểm tra…Để cuốn hút người học, đặc biệt với cấp tiểu học thì áp lực cho giáo viên là vô cùng lớn, do cần có video, hình ảnh, âm thanh nhằm tạo thêm sự hấp dẫn. Dạy học trực tuyến cũng đòi hỏi sự chủ động, tự giác và tích cực cao của người học vốn đã tồn tại khá phổ biến trong nhà trường hiện nay, thì khi học trực tuyến nó còn yêu cầu phát huy mạnh mẽ hơn nữa.
Hơn nữa việc thu học phí còn nhiều vướng mắc do dịch bệnh xảy ra bất ngờ và trong thời gian ngắn nên chưa tính toán phù hợp. Đa phần các trường đều giảm phí để hỗ trợ người học, tuy nhiên chủ yếu do trường tự quyết định mà chưa có hướng dẫn hay chưa có 1 cơ sở để thực hiện đồng bộ, gây những vướng mắc và không đồng tình giữa nhà trường và phụ huynh ở một số nơi.
Một số giải pháp nhằm phát huy tính ưu việt của dạy và học trực tuyến
Với cơ sở giáo dục
Các trường cần bảo đảm cơ sở vật chất hạ tầng, thiết bị, đường truyền internet, phần mềm học tập được trang bị, hỗ trợ đầy đủ và ổn định. Bên cạnh đó các cơ sở giáo dục cần phối hợp với các nhà mạng như Viettel, VNPT để cung cấp hạ tầng đường truyền chất lượng cao cho giáo dục. Các cơ quan, trường học, cá nhân nên sử dụng phần mềm bản quyền để có thể sử dụng đầy đủ tính năng và bảo mật.
Đối với vùng sâu, vùng xa hạ tầng internet hạn chế thì nhà nước và các tổ chức liên quan đến giáo dục có thể hỗ trợ xây dựng các trung tâm tin học ở địa điểm phù hợp, các cơ sở giáo dục có thể thuê hoặc miễn phí nếu không đủ nguồn lực để thiết lập 1 hệ thống riêng. Các trường có hệ thống thiết bị dồi dào như máy móc có thể hỗ trợ những trường đang thiếu hụt ở địa phương thông qua sắp xếp thời khóa biểu phù hợp.
Và cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý an ninh mạng, để đảm bảo an toàn cho quá trình dạy và học, tài liệu như bài giảng, ngân hàng câu hỏi, đề thi không bị rò rỉ, cũng như thông tin cá nhân thầy cô và học trò không bị lợi dụng vào mục đích xấu.
Đối với các trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp nên có sự kết hợp giữa dạy online và offline với tỷ lệ nhất định không chỉ trong một môn học mà còn cả chương trình đào tạo. Một số khóa học ngắn hạn, chứng chỉ có thể thiết lập học trực tuyến toàn bộ. Đối với các môn học, có thể quy định tỷ lệ tiết học trực tuyến là bao nhiêu % trong thời lượng môn học và thay đổi cả các nội dung giáo án, hoạt động trong môn học, bài tập với các hình thức kiểm tra, đánh giá mới.
Việc kiểm tra, đánh giá nên thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục. Nhưng nếu vì lý do bất khả kháng như dịch bệnh, phong tỏa hoặc khoảng cách quá xa giữa người học và cơ sở đào tạo thì nên thực hiện trực tuyến. Trong đó phải quy định học sinh được sử dụng những dụng cụ, thiết bị gì khi kiểm tra như camera, máy tính, laptop… Cần thiết lập lại những môn học nào nên tận dụng kiểm tra trực tuyến, môn học nào cần thực hiện trực tiếp.
Phải xét tới tính chất của môn học khi xây dựng chương trình. Vì có những môn học thiên về thực hành, thao tác thì cần có giảng viên trực tiếp hướng dẫn nên sẽ khó thực hiện hoàn toàn online. Do vậy học trực tuyến có thể khó khăn với các ngành học liên quan nhiều đến thực hành. Với các môn như thể dục, giáo viên có thể xây dựng bài giảng, hướng dẫn từng động tác, làm mẫu, post video để sv có thể học theo trước. Và thời gian thực hành nên trực tiếp tại cơ sở giáo dục, phòng thí nghiệm, phân xưởng.
Giảm thời gian học trực tiếp, tăng thời gian học trực tuyến nhằm tăng tính tự học cho sinh viên. Thời gian học trực tiếp để thảo luận, làm việc nhóm và giải quyết các nội dung khó hoặc trau dồi kỹ năng mềm, giao lưu, dã ngoại, tham quan…”Học ra học, chơi ra chơi” giúp tối đa năng suất và hiệu quả khi các em được giải thoát khỏi áp lực từ các bài giảng. Kinh phí tổ chức các chuyến đi có thể từ ngân sách nhà trường kết hợp với hỗ trợ từ phụ huynh học sinh, từ các DN, tổ chức…
Về giáo viên
Giáo viên cần tập huấn về thiết kế bài giảng trực tuyến tương thích với phần mềm dạy học và tích hợp với tài nguyên trên mạng internet. Cán bộ, giáo viên phải được tập huấn kỹ lưỡng về phương pháp, kỹ năng dạy học trực tuyến, nâng cao trình độ và khả năng sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, laptop, smartphone…, truy cập Internet, wifi…Cần kết hợp ứng dụng nhiều phần mềm nhằm mục đích nâng cao sự tương tác giữa giáo viên và học viên, duy trì sự cạnh tranh giữa các học viên để khích lệ tinh thần học tập cho người học. Có thể lựa chọn một trong các hình thức hỗ trợ như dạy online, qua nhóm zalo, messenger, facebook, email..Học sinh, phụ huynh cũng cần được hướng dẫn kỹ năng và các quy định cần thực hiện để việc dạy học online đạt hiệu quả cao.
Về cấp tiểu học chú trọng bài giảng đẹp mắt, thêm nhiều tranh, ảnh sinh động. Thầy cô thường xuyên quản lý tác phong của các em trong quá trình học. Do học sinh tiểu học chưa thông thạo công nghệ nên cần sự đồng hành của phụ huynh. Nên thiết kế nhiều video, hình ảnh động cho trẻ em thu hút việc học. Đối với tiểu học, thời gian không học kiến thức các em có thể học các môn năng khiếu như học vẽ, học nhạc, học bơi, sinh hoạt tại cung văn hóa thiếu nhi, đi dã ngoại, thăm vườn bách thảo, bách thú, thăm vườn quốc gia, trang trại nông nghiệp và các danh lam thắng cảnh.
Nên cho các học sinh phổ thông kết hợp việc học với đi thực tế. Học văn học, lịch sử thì đi thăm bảo tàng lịch sử, nghĩa trang liệt sỹ, nhà sách quốc gia, thư viện; học các môn toán, lý, hóa thì đến thăm các viện nghiên cứu, nhà máy cơ khí, chế tạo, lắp ráp, thủy điện; học ngoại ngữ, tin học thì tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, tiếng Nhật, tin học kết hợp đi tham quan công ty viễn thông, phần mềm; học thể dục thì tham gia các câu lạc bộ bơi lội hoặc các giải chạy bộ vì cộng đồng… Điều này sẽ khơi dậy sự hứng thú cho các em trong việc học và nhằm định hướng nghề nghiệp tương lai.
Đối với hệ đại học, cao đẳng cần tăng thời gian tự học. Ngoài cung cấp bài giảng, bài tập, bài kiểm tra thì định kỳ sau một thời gian nhất định yêu cầu sinh viên nộp các bài tập lớn nhằm hệ thống lại kiến thức cho các em. Cho sinh viên đi thực tế tại các doanh nghiệp, nhà máy về ngành nghề mà các em theo đuổi, gặp gỡ những nhân viên giàu kinh nghiệm, giúp các em hiểu sâu hơn và yêu thích ngành nghề mà mình đã lựa chọn. Thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ giữa các công ty và nhà trường tạo sự kết nối giữa nhà trường và DN.
Về nhà nước
Chính phủ cần lập ra 1 cơ quan chuyên trách phối hợp với sự tham gia của chính quyền địa phương. Hoạt động của cơ quan này nhằm tăng cường giáo dục trực tuyến ở từng cấp phổ thông và chuyên nghiệp, về đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý, tập huấn cho giáo viên và học viên những kỹ năng cần thiết để tham gia khóa học, về cơ sở hạ tầng và học liệu. Các chuyên gia sẽ giúp xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để giảng dạy trực tuyến một cách chất lượng và đồng bộ. Cần có sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý giáo dục trong việc lựa chọn phần mềm phù hợp, xây dựng thời khóa biểu dạy học hợp lý; xây dựng quy chế tổ chức dạy học qua mạng.
Kinh phí đào tạo có thể trích từ ngân sách Nhà nước cho giáo dục, từ chính quyền địa phương, của cơ sở giáo dục. Ngoài ra cần sự hỗ trợ của các bên có liên quan hoặc quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. Chính phủ có thể huy động kinh phí từ các DN, tập đoàn lớn, các tổ chức ở các địa phương, đặc biệt là các công ty tin học. Ngân sách sử dụng để hỗ trợ xây dựng hạ tầng như máy tính, laptop, mua bản quyền phần mềm, thuê chuyên gia tập huấn, tổ chức các chuyến đi thực tế cho học sinh, sinh viên. Và rất cần sự hợp tác từ ban quản lý viện bảo tàng, di tích lịch sử, viện nghiên cứu, doanh nghiệp.
Nhà nước cũng cần đưa ra hướng dẫn về việc thu học phí cho sinh viên, học sinh dựa trên thời lượng môn học, % số tiết trực tiếp, trực tuyến, thực hành, thực tế…tạo cơ sở để các trường đưa ra quyết định, tránh sự không nhất trí giữ phụ huynh và nhà trường như đã từng xảy ra ở 1 số nơi.