Có một câu chuyện thế này. Hai chủ thể mưu sinh, và họ kiếm sống thông qua một chủ thể muốn giải trí:
Chú voi cao lớn rất thích ăn hoa quả, chủ yếu là dưa hấu, mía và chuối. Nói chung chú khá dễ tính, ăn bất cứ thứ gì người ta ném cho chú, kể cả bánh, kẹo, bim bim. Đôi khi người ta sợ hãi và ném bất cứ thứ gì có thể để phân tán sự tập trung của loài vật mà chỉ cần dậm một cái chân tại chỗ khi giận dữ, cũng có thể rung chuyển mặt đất và đồng loại có thể nhận được tín hiệu cách xa hàng km. Tất nhiên là những nhà động vật học hay môi trường sẽ nhanh chóng chỉ trích nếu người ta ném đồ ăn nhanh McDonald’s cho chú. Nhưng mà ai có thể bảo vệ môi trường với cái bụng đói đây. Một nhà hoạt động môi trường nhí nào đó được tài trợ sử dụng du thuyền đi khắp nơi trên thế giới, để kêu gọi người dân các nước kém phát triển, khi mà cơm không đủ ăn, nước sạch không đủ uống, sống trong các khu ổ chuột nhưng phải giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nên nhớ tình trạng môi trường hiện giờ là do các nước phát triển gây ra bởi quá trình đang phát triển của họ trong quá khứ. Tôi đã nhìn thấy chú nhận lấy quả dưa hấu từ một người lái xe qua cung đường và đưa vào miệng ngon lành như thủy thủ Papai ăn rau chân vịt. Nhưng trong khi chú voi đơn giản là muốn lấp đầy cái bụng đói của mình thì Papai làm vậy để lấy lòng nàng Oliver.
Người bán hoa quả, bán các loại quả mà chú voi thích ăn. Quầy hoa quả ở phía bên kia đường, đối diện với loài động vật lớn nhất trên cạn. Với một sự hài hước không nhỏ, quầy hoa quả chẳng khác gì đang khiêu khích chú voi. Nếu đúng vậy thì, họ đã gặp phải cao thủ rồi. Cao thủ kiên nhẫn, lịch sự, biết đủ đúng lúc.
Nhưng chú voi không thể mua được hoa quả từ người bán, dù người này chỉ đứng cách chú vài m chiều rộng của con đường. Vì chú không có xu nào trong túi, mà thậm chí chú chẳng có chiếc túi nào để đựng xu. Chú đứng bên này con đường, phía sau là cánh rừng rậm. Khi chú muốn rời đi, chú có thể lùi lại và biến mất vào đại ngàn. Người ta không biết chú đi đâu vào thời điểm đó. Nhưng đó là lúc chú đã no bụng và khả năng muốn tìm đến sự yên tĩnh với một giấc ngủ ngon ở nơi mà chú thuộc về. Và có thể chú rời đi để các du khách không tiếp tục mang hoa quả đến cho chú nữa.
Vì vậy mà người bán hàng cũng không thể bán được xu hoa quả nào cho chú. Nói một cách đơn giản là, người có hoa quả không thể bán được cho kẻ có nhu cầu ăn hoa quả. Có cung, có nhu cầu, nhưng mà nhu cầu lại không có khả năng thanh toán.
Tôi hình dung cảnh, ngày qua ngày, chú voi nhìn sang bên kia đường, chắc chắn thấy có quầy hàng đầy hoa quả mà chú muốn ăn, nó nằm trong tầm mắt của chú. Gần, thậm chí rất gần. Nhưng tại sao chú không tiến sang bên kia đường để lấy những thứ hoa quả này. Thật khó ai có thể ngăn cản được sinh vật trưởng thành cao lớn ấy. Nhưng ngày này qua tháng khác, điều này chưa bao giờ xảy ra. Khi chú voi đứng đối diện, mắt bao quát quầy hoa quả, với sự kiên nhẫn chờ đợi, trong lòng thầm nghĩ điều mà bất cứ ai cũng đoán được. Đó chắc chắn là suy nghĩ thông minh và sự kiên nhẫn vượt quá khả năng bình thường của loài vật. Bởi nếu chú có băng qua con đường, chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm. Chú không cần đặt ra giới hạn cho mình.
Ảnh: sưu tầm
Có hai lý do cho thấy chú voi rất thông minh. Thứ nhất, nếu hôm nay, chú tiến sang bên kia đường để dùng vòi “cướp” đi hoa quả miễn phí thì kể từ đó không có quầy hoa quả nữa. Thứ hai, chú không cần phải làm thế, vì có một đối tượng rất quan trọng đã kết nối giữa người cung cấp hoa quả và kẻ có nhu cầu ăn hoa quả, đó chính là du khách. Người trả tiền mua hoa quả và vượt qua vài m chiều ngang của con đường, mang nó đến cho kẻ không có lấy một hào một cắc nào. Ngoại trừ những người đã thường xuyên đi qua con đường và luôn chuẩn bị sẵn ít quả làm “lộ phí”. Nếu không thì chú sẽ đứng đó, lừng lững tiến về phía những chiếc xe, và nếu ai đó mới lần đầu đi qua con đường này sẽ hồn bay phách lạc. Thực ra chú voi lại gần để xem có kiếm được chút gì không mà thôi, nhưng người ta cứ e sợ một cách thái quá. Nếu hiểu rõ rằng anh chàng đang đói và muốn lấp đi phần nào cái bụng rỗng của mình. Đôi khi chúng ta hay sợ hãi một cách mơ hồ là vì chúng ta không nắm rõ vấn đề, thôi thì sợ nhầm còn hơn bỏ sót. Đây đúng là, “tránh voi chẳng xấu mặt nào” theo nghĩa đen. Không việc gì phải xấu hổ cả, mấy ai lần đầu gặp động vật hoang dã khổng lồ mà không nhát gan.
Vậy tại sao du khách sẵn sàng làm thế. Chú voi biết mình có cái mà du khách cần, vì vậy chú chỉ cần đứng yên, và chờ đợi hoa quả đến với mình. Cái mà du khách cần là gì: nhìn ngắm động vật hoang dã không phải trong sở thú, với cân nặng có thể lên tới gần 5 tấn và chiều cao có thể đạt tới 3,5 m, 2 cái tai to như những lá sen vua, những cái chân như chiếc cột nhà, tóm lại mọi thứ chú có đặc biệt hơn hết thảy. Vậy là chú không phải mắc công đi kiếm ăn nữa rồi. Mang hoa quả đến cho một chú voi là khả thi hơn mang một tảng thịt đến cho một chú sư tử. Chắc chắn không có chú sư tử nào kiên nhẫn đứng bên kia đường để ngắm nhìn quầy hoa quả cả, thay vào đó tôi e rằng nó sẽ nhìn ngắm người bán hoa quả. Và nếu bạn “lọt vào mắt xanh” của sư tử thì có vẻ đáng sợ chứ không đáng mừng như lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng đâu. Điều gì xảy ra khi sư tử thấy người mang đến bữa trưa cho nó lại hấp dẫn hơn bữa trưa mà người ta mang cho nó. Vậy thì phải tìm cách khác, để tạo sự ấn tượng với sư tử đực chẳng hạn, hãy tặng nó một chai dầu gội đầu đủ làm sạch bộ bờm xù xờm, sợi ngắn xen lẫn sợi dài, màu vàng hoặc nâu sẫm và dối như một đống rơm trong một lần gội. Đây là nhân vật quảng cáo vô cùng hiệu quả cho các hãng dầu gội kèm xả, tại sao xưa nay người ta không dùng. Nếu bờm sư tử thay vì phồng lên một cách oai nghiêm thì lại mượt mà yểu điệu rủ xuống tận gót chân, thì còn đâu oai nghiêm của Lion King nữa. Hình dung ra được có thể khó hoặc dễ tùy người, nhưng chẳng có cách nào khác vì điều này có vẻ không khả thi. Còn với sư tử cái tôi chưa nghĩ ra cách gì, chỉ nghe mọi người nói cách trị sư tử Hà Đông thôi, và điều này đã là quá cũ rồi. Nhưng chú voi xứng đáng nhận hoa quả do cách hành xử, tức là tài năng, chứ không phải ngoại hình. Mỗi buổi sáng, chú voi hấp háy ánh mắt nhìn sang quầy hàng đối diện, thầm nghĩ hôm nay mình sẽ được ăn quả gì. Còn chú sư tử lại nhìn người bán hoa quả trong 1 lần duy nhất không bao giờ lặp lại, vì vậy không cần hấp háy làm gì. Nhưng nếu điều này diễn ra trong thời gian dài, e rằng bản năng sinh tồn trong tự nhiên sẽ dần dần biến mất. Nếu một ngày nào đó không còn ai mang hoa quả cho chú voi, điều này sẽ trở nên nguy hiểm khi chú tự dưng phải vào rừng kiếm ăn và phải dành tới 19 giờ mỗi ngày để kiếm ăn.
Ảnh: sưu tầm
Cả hai chủ thể này đều không hiếm trong xã hội, nếu bạn không trở nên quá đặc biệt và ấn tượng, bạn sẽ mưu sinh theo cách thông thường. Người bán hoa quả kiếm được tiền, chú voi có hoa quả ăn, du khách được ngắm động vật hoang dã, đúng hơn là họ được trải nghiệm cảm giác mang đồ ăn cho voi, hơn là cảm giác mang đồ ăn đến cho sư tử. Không ai muốn trả tiền để được trải nghiệm cái chết cả, vì ai dám chắc rằng đó chỉ là trải nghiệm. Nếu không có thử thách, thì không biết ai là kẻ nhát gan. Thật là thở phào, ai cũng hân hoan trong lòng. Tôi chỉ mong chú voi không bao giờ bị đói, vì tôi thích động vật.